Theo khoản 1 Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
Trong đó, người đồng phạm bao gồm:
- Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
- Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
- Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
- Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
Ngoài ra, người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.
Các dấu hiệu của đồng phạm bao gồm:
1)Dấu hiệu khách quan:
+ Dấu hiệu số lượng người cùng tham gia
Phải có từ 2 người trở lên cùng thực hiện tội phạm, có đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 và đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
+ Dấu hiệu hành vi phạm tội
-Hành vi của một người có ý nghĩa với hành vi của người khác, hành vi của họ có tác động qua lại biện chứng với nhau và là một khâu cần thiết trong hoạt động phạm tội chung tạo thành một thể thông nhất.
-Hành vi của những người tham gia đồng phạm phải có mối quan hệ nhân quả với hậu quả tác hại do tội phạm gây ra.
-Hành vi người tổ chức, người xúi giục phải xảy ra trước hành vi của người thực hành. Hành vi của người giúp sức có thể xảy ra trước, đồng thời với hành vi của người thực hành, còn nếu xảy ra sau thì phải có sự hứa hẹn thỏa thuận từ trước.
+ Dấu hiệu hậu quả chung của đồng phạm
Hậu quả của tội phạm là kết quả chung của hành vi của tất cả những người tham gia trong đồng phạm.
+ Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả
Hành vi của mỗi đồng phạm đều là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả chung của tội phạm (Mối quan hệ nhân quả kép trực tiếp).
Khi có sự phân công vai trò giữa những người cùng thực hiện tội phạm (người tổ chức, người giúp sức, người xúi giục, người thực hành) thì chỉ có hành vi của người thực hành là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh hậu quả chung; còn hành vi của những người khác thì thông qua hành vi của người thực hành mà gây ra hậu quả đó. Do đó, việc xác định quan hệ nhân quả giữa hành vi tổ chức, xúi giục, giúp sức với hậu quả chung phải được xem xét trong mối quan hệ giữa những hành vi đó với hành vi thực hành.
2)Dấu hiệu chủ quan:
+ Dấu hiệu lỗi
Những người đồng phạm đều cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Lỗi cố ý trong đồng phạm được thể hiện như sau:
- Về lý trí: Mỗi người đồng phạm đều nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và đều biết người khác cũng có hành vi nguy hiểm cho xã hội cùng với mình. Luật hình sự không đòi hỏi là mỗi người phải biết được cụ thể về số lượng cụ thể và hành vi của những người đồng phạm khác mà chỉ cần họ nhận thức được có sự tham gia của người khác và hành vi của người khác là hành vi nguy hiểm cho xã hội, cùng phối hợp để thực hiện một tội phạm. Và trong đồng phạm, mỗi người đồng phạm đều thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và đều thấy trước hậu quả chung của tội phạm mà họ tham gia thực hiện.
- Về ý chí: Những người đồng phạm khi thực hiện hành vi đều mong muốn cùng thực hiện tội phạm và mong muốn hậu quả chung của tội phạm xảy ra.
Việc xác định hành vi, dấu hiệu chủ quan của pháp nhân thương mại sẽ căn cứ vào hành vi và dấu hiệu chủ quan của những con người cụ thể đại diện cho pháp nhân, nhân danh pháp nhân thực hiện các hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành của pháp nhân, mang lại lợi ích cho pháp nhân và giải quyết theo nguyên tắc thông thường như trường hợp đồng phạp giữa cá nhân với cá nhân.
+ Dấu hiệu mục đích, động cơ phạm tội (không bắt buộc)
Mục đích, động cơ phạm tội là kết quả trong ý thức chủ quan mà người phạm tội đặt ra phải đạt được khi thực hiện một tội phạm. Trong quá trình cố ý cùng thực hiện một tội phạm, mục đích, động cơ phạm tội của mỗi người đồng phạm có thể khác nhau. Đối với những tội phạm không yêu cầu mục đích là dấu hiệu định tội thì các đồng phạm không buộc phải có chung dấu hiệu “cùng mục đích, cùng động cơ”.
Tuy nhiên, nếu trong mặt chủ quan của một số cấu thành tội phạm quy định “mục đích, động cơ” là dấu hiệu bắt buộc thì các đồng phạm phải có cùng mục đích, động cơ. Cũng được coi là “cùng mục đích” phạm tội khi những người tham gia thực hiện tội phạm biết rõ và tiếp nhận mục đích của nhau.
Nếu cấu thành tội phạm quy định “cùng mục đích” là dấu hiệu bắt buộc , nhưng những người tham gia thực hiện tội phạm không có chung mục đích thì không phải là đồng phạm.

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ tổng đài 24/7 0965 159 118
hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Đại Khánh luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn
- Loại đất được xác định dựa trên các căn cứ nào?
- Khi Nhà nước thu hồi đất mà các tổ chức, cá nhân phải di chuyển tài sản thì Nhà nước sẽ bồi thường những chi phí gì?
- Những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc
- Dịch vụ luật sư giải quyết tranh chấp đất đai
- Cháu ruột có được thừa kế tài sản từ bà nội không?