Người lao động được hưởng những quyền lợi gì khi đóng BHXH?

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia (theo khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014). Đây là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận, nhằm mục đích an sinh xã hội, giúp đảm bảo cho người lao động có được thu nhập khi không thể làm việc do ốm đau, bệnh tật, thai sản, già yếu.

Theo quy định tại Chương III Luật Bảo hiểm xã hội 2014, quyền lợi của người lao động được hưởng khi tham gia BHXH bắt buộc bao gồm:

- Ốm đau;

- Thai sản;

- Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Hưu trí;

- Tử tuất.

1) Ốm đau

1.1. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau

NLĐ thuộc các trường hợp sau được hưởng các quyền lợi của chế độ ốm đau:

•NLĐ bị ốm đau hoặc tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị chấn thương, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp dẫn đến phải nghỉ việc và có giấy xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh;

•NLĐ phải nghỉ việc để chăm con dưới 7 tuổi bị ốm, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh;

•Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc 1 trong 2 trường hợp trên.

1.2. Thời gian nghỉ ốm hưởng BHXH

Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong 1 năm đối với NLĐ tính theo ngày làm việc bình thường không tính ngày nghỉ hằng tuần, nghỉ lễ, nghỉ Tết. Cụ thể:

➨ Nhóm 1: Đối với lao động làm việc trong điều kiện bình thường

•Được nghỉ tối đa 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm;

•Được nghỉ tối đa 40 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;

•Được nghỉ tối đa 60 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên.

➨ Nhóm 2: Đối với lao động làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Những lao động làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên:

•Được nghỉ tối đa 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm;

•Được nghỉ tối đa 50 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;

•Được nghỉ tối đa 70 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên.

➨ Nhóm 3: Đối với lao động nghỉ chăm con bị ốm đau

•Được nghỉ chăm con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 3 tuổi;

•Được nghỉ chăm con tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi.

➨ Nhóm 4: Đối với lao động nghỉ việc do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày

•Được nghỉ tối đa 180 ngày, tính cả ngày nghỉ hằng tuần, ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết;

•Từ ngày 181 trở đi mà người lao động vẫn tiếp tục điều trị bệnh thì tiếp tục được hưởng chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.

2) Thai sản

2.1. Điều kiện, đối tượng hưởng chế độ thai sản

Chế độ thai sản BHXH là chế độ quan trọng và giành được nhiều sự quan tâm của lao động nữ hơn cả. Quy định về đối tượng, điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

➨ Đối tượng được hưởng chế độ thai sản

Chế độ thai sản áp dụng cho đối tượng người lao động nữ thuộc 1 trong các trường hợp sau đây:

•Trường hợp 1: Lao động nữ đang mang thai;

•Trường hợp 2: Lao động nữ sinh con;

•Trường hợp 3: Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

•Trường hợp 4: Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi;

•Trường hợp 5: Lao động nữ đặt vòng tránh thai, NLĐ thực hiện biện pháp triệt sản;

•Trường hợp 6: Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.

➨ Điều kiện hưởng chế độ thai sản

•NLĐ thuộc trường hợp 2, 3 và 4 kể trên phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con hoặc trước khi nhận nuôi con nuôi;

•Lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà trong thời gian mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo yêu cầu của cơ sở khám chữa bệnh thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con;

•NLĐ đã đủ điều kiện trên mà chấm dứt hợp đồng lao động/thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc thời điểm nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản.

Như vậy, người lao động đáp ứng đủ các điều kiện trên sau khi sinh con làm hồ sơ gửi cơ quan BHXH để được hưởng tiền thai sản theo quy định.

2.2. Thời gian hưởng chế độ thai sản

➨ Thời gian hưởng chế độ thai sản khi khám thai

•Lao động nữ mang thai được nghỉ việc đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày;

•Trường hợp lao động nữ mang thai ở xa cơ sở khám chữa bệnh hoặc có bệnh lý hoặc tình trạng thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày/lần đi khám thai;

•Thời gian nghỉ việc đi khám thai được tính theo ngày làm việc, không tính ngày nghỉ hằng tuần, ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết.

➨ Thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con

•Tổng thời gian lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau sinh như sau:

oĐối với trường hợp sinh 1 con là 6 tháng;

oĐối với trường hợp sinh đôi trở lên, từ người con thứ 2 trở đi, cứ mỗi người con, người mẹ được nghỉ thai sản thêm 1 tháng.

•Thời gian lao động nữ được nghỉ hưởng chế độ thai sản trước sinh tối đa không quá 2 tháng.

➨ Thời gian hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức sau sinh

Sau khi hết thời gian hưởng chế độ thai sản, trong vòng 30 ngày đầu đi làm lại mà sức khỏe lao động nữ chưa phục hồi được thì được nghỉ dưỡng sức từ 5 - 10 ngày.

➨ Thời gian hưởng chế độ thai sản cho lao động nam đóng BHXH có vợ sinh con

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho chồng được tính trong vòng 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con. Cụ thể:

•Nghỉ 5 ngày làm việc;

•Nghỉ 7 ngày làm việc đối với trường hợp đẻ mổ hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi;

•Nghỉ 10 ngày làm việc nếu vợ sinh đôi, từ sinh 3 trở lên thì cứ thêm mỗi con, lao động nam được nghỉ thêm 3 ngày làm việc;

•Nghỉ 14 ngày làm việc nếu vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật.

➨ Thời gian hưởng chế độ thai sản khi nhận nuôi con nuôi

Nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì NLĐ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi (chỉ áp dụng cho bố hoặc mẹ).

➨ Thời gian hưởng chế độ thai sản khi thực hiện các biện pháp tránh thai

•Tối đa 7 ngày đối với biện pháp đặt vòng tránh thai;

•Tối đa 15 ngày đối với biện pháp triệt sản.

➨ Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý

•Thai dưới 5 tuần tuổi được nghỉ tối đa 10 ngày;

•Thai từ 5 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi được nghỉ tối đa 20 ngày;

•Thai từ từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi được nghỉ tối đa 40 ngày;

•Thai từ 25 tuần tuổi trở lên được nghỉ tối đa 50 ngày.

➨ Thời gian hưởng chế độ thai sản của người mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai

•Lao động nữ mang thai hộ được hưởng đầy đủ các chế độ thai sản như những người khác khi mang thai, sinh con hoặc khi sảy thai/phá thai cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ;

•Trường hợp từ ngày sinh đến ngày giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản của người mang thai hộ chưa đủ 60 ngày thì vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ hằng tuần, ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết;

•Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đã đủ 6 tháng tuổi.

3) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

3.1. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

NLĐ tham gia BHXH bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

➨ Một là, bị tai nạn lao động thuộc 1 trong các trường hợp sau:

•Bị tai nạn trong giờ làm việc và tại nơi làm việc; 

•Bị tai nạn ngoài ngoài giờ làm việc hoặc bên ngoài nơi làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của doanh nghiệp;

•Bị tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian, tuyến đường hợp lý.

➨ Hai là, có giấy giám định bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên của bệnh viện.

3.2. Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

•Khi bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định;

•Có giấy giám định chứng minh bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh.

4) Hưu trí

4.1. Điều kiện hưởng lương hưu năm 2023

Người lao động được hưởng lương hưu đáp ứng các điều kiện sau:

•Khi nghỉ việc đã tham gia BHXH đủ 20 năm trở lên;

•Đủ độ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Luật Lao động.

4.2. Mức hưởng lương hưu 

Mức lương hưu hàng thàng của người lao động tham gia BHXH bắt buộc năm 2023 như sau:

Mức lương hưu hàng tháng = tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hàng tháng x (nhân) mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Tỷ lệ % hưởng lương hưu hàng tháng người lao động được quy định như sau: 

➨ Với lao động nam

•45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng 20 năm đóng BHXH;

•Sau đó mỗi năm đóng cộng 2%, tối đa bằng 75%.

➨ Với lao động nữ

•45% mức bình quân lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH;

•Sau đó mỗi năm đóng được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

5) Tử tuất

5.1. Trợ cấp mai táng

➨ Các đối tượng được hưởng trợ cấp mai táng 1 lần

Những trường hợp sau đây khi qua đời thì người lo mai táng được nhận 1 lần trợ cấp mai táng:

•Người lao động đã có thời gian đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên (tính cả thời gian tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện);

•Người lao động qua đời do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

•Người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.

➨ Mức trợ cấp mai táng phí

•Người thân của lao động qua đời sẽ được hưởng 1 khoản trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở;

•Cụ thể từ 01/07/2023, mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng, như vậy mức trợ cấp mai táng là 18.000.000 đồng.

5.2. Trợ cấp tuất hàng tháng

➨ Các trường hợp được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng

Người lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây khi qua đời thì thân nhân được hưởng tiền tuất hàng tháng:

•Đã đóng BHXH bắt buộc đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng BHXH 1 lần;

•Mất do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

•Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;

•Đang hưởng lương hưu mà trước đó có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên.

➨ Mức trợ cấp tuất hàng tháng

•Mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; 

•Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hàng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

5.3. Trợ cấp tuất 1 lần

➨ Các trường hợp được hưởng trợ cấp tuất 1 lần

NLĐ qua đời nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất 1 lần:

•Không thuộc các trường hợp được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng;

•Thuộc một trong các trường hợp được hưởng trợ cấp tuất hàng hàng nhưng không có thân nhân hưởng tiền tuất hàng tháng;

•Thân nhân thuộc diện được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng nhưng có nguyện vọng lĩnh trợ cấp tuất 1 lần, trừ trường hợp con dưới 6 tuổi, con/vợ/chồng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

➨ Mức hưởng trợ cấp tuất 1 lần

Mức hưởng trợ cấp tuất 1 lần bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (trước năm 2014) và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho các năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Mức trợ cấp tuất 1 lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu qua đời được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu:

•Nếu qua đời trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu thì mức trợ cấp tuất 1 lần bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; 

•Nếu qua đời vào những tháng sau đó, cứ mỗi lần nhận thêm 1 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng.

Trân trọng./.

Mọi thắc mắc hãy liên hệ ngay tới chúng tôi theo hotline: 0965.159.118 để được các luật sư giỏi, luật sư uy tín tư vấn, hỗ trợ pháp lý.

Địa chỉ: Số 6, ngõ 117 Nguyễn Thị Định, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

 

 

 

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ tổng đài 24/7 0965 159 118

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Đại Khánh luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Bài viết cùng chủ đề