Các vụ việc thực tiễn việc xác nhận cha, mẹ, con tại Toà án

1. Tình huống thứ nhất

Nguyên đơn – Anh K khởi kiện bị đơn – chị H (mẹ đẻ cháu A) đề nghị Tòa án xác định cháu A (đã có giấy khai sinh[2] có bố là anh Văn H – chồng của chị H) là con đẻ của nguyên đơn. Do trong quá trình hôn nhân hợp pháp, chị H và chồng là anh Văn H có thời gian ly thân, và bị đơn – chị H đã có quan hệ yêu đương với nguyên đơn – anh K và đã sinh ra cháu A, khi vẫn trong thời kỳ hôn nhân với anh H.

Tòa án trong trường hợp này đã xác định đây là loại tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền của Tòa án căn cứ theo khoản 4 Điều 28 BLTTDS “Tranh chấp xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ” và đã thụ lý giải quyết theo trình thủ tục giải quyết vụ án dân sự. Biết rằng, trong quá trình giải quyết, qua lời khai cho thấy các bên gồm hai người cha (cha pháp lý và cha thực tế) và mẹ đẻ của cháu A đều không ai tranh chấp hay không thừa nhận việc cháu A là con của anh K (cha thực tế) và cũng đã có kết luận giám định ADN về vấn đề này.

2. Tình huống thứ hai

Người yêu cầu – Anh C có đơn yêu cầu xác định cháu H (đã có giấy khai sinh[4] có bố là anh Đ) là con đẻ của anh C với chị T (mẹ đẻ cháu H) đồng thời đề nghị Tòa án chấm dứt các quyền và nghĩa vụ giữa anh Đ và cháu H theo quy định pháp luật. Biết rằng, trước khi chị T kết hôn với anh Đ thì anh C và chị T đã sống chung như vợ chồng và đã mang thai cháu H nhưng hai người sau đó đã chia tay. Ngay sau đó, chị C đã kết hôn hợp pháp với anh Đ và chị C đã sinh ra cháu H. Do không hạnh phúc nên chị T và anh Đ đã ly hôn. Sau ly hôn, chị T và anh C quay lại kết hôn. Dựa trên kết quả giám định ADN giữa anh C và cháu H nên anh C đã quyết định làm đơn yêu cầu xác định cháu H là con đẻ của mình.

Tòa án trong trường hợp này đã xác định đây là loại yêu cầu về hôn nhân và gia đình căn cứ tại khoản 10 Điều 29 BLTTDS “Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình”. Biết rằng, trong quá trình giải quyết việc dân sự này cả anh Đ và chị T đều nhất trí với yêu cầu xác định cha cho con của anh C, ngoài ra các bên không có yêu cầu nào khác.

3 .Quy định của pháp luật

3.1. Pháp luật về hôn nhân và gia đình

Tại Chương 5 về “Quan hệ giữa cha mẹ và con”, tại mục 2 “Xác định cha, mẹ, con” của Luật Hôn nhân và gia đình (LHNGĐ), bao gồm 15 điều (từ Điều 88 cho đến Điều 102) đã quy định về: (i) căn cứ xác định cha, mẹ, con trong một số trường hợp cụ thể; (ii) những người có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con; và (iii) đặc biệt quy định về phân định thẩm quyền xác định cha, mẹ, con giữa Tòa án với cơ quan đăng ký hộ tịch.

Theo đó, tại Điều 101 LHNGĐ quy định:

“Điều 101. Thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con

1. Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.

2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.

Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”

Như vậy, với khoản 1 Điều 101 LHN&GĐ đã khẳng định cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con mà không có tranh chấp. Và Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu xác định cha, mẹ, con trong 03 trường hợp: (i) có tranh chấp; (ii) người được yêu cầu xác định cha, mẹ, con đã chết; (iii) người có yêu cầu xác định cha, mẹ, con chết[5].

3.2. Pháp luật về hộ tịch

- Luật Hộ tịch (LHT)

“Điều 3. Nội dung đăng ký hộ tịch

1. Xác nhận vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch: … d) Nhận cha, mẹ, con;

2. Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:… b) Xác định cha, mẹ, con”.

- Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch […] của Chính phủ (“Thông tư số 04/2020/TT-BTP”)

“Điều 16. Đăng ký nhận cha, mẹ, con, bổ sung hộ tịch trong một số trường hợp đặc biệt

1. Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.

Nếu có Giấy chứng sinh và giấy tờ tùy thân của người mẹ thì phần khai về người mẹ được ghi theo Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ. Nếu không có Giấy chứng sinh và giấy tờ tùy thân của người mẹ thì ghi theo thông tin do người cha cung cấp; người cha chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp.

2. Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, đã được đăng ký khai sinh nhưng không có thông tin về người cha, nay vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì không phải làm thủ tục nhận cha, con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con.

3. Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, chưa được đăng ký khai sinh mà khi đăng ký khai sinh, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào Giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, con.

Trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cung cấp thông tin về người mẹ và lập văn bản thừa nhận con chung không đúng sự thật tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

4. Trường hợp con do người vợ sinh ra hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ hoặc chồng không thừa nhận là con chung hoặc người khác muốn nhận con thì do Tòa án nhân dân xác định theo quy định pháp luật.

Trường hợp Tòa án nhân dân từ chối giải quyết thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em chưa xác định được cha hoặc đăng ký nhận cha, con, hồ sơ phải có văn bản từ chối giải quyết của Tòa án và chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Thông tư này”.

- Bộ luật Tố tụng dân sự

Về thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết đối với yêu cầu xác định cha, mẹ, con được BLTTDS quy định như sau:

“Điều 28. Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

[…]4. Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ”.

“Điều 29. Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

[…]10. Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình”.

Nếu có vướng mắc bạn vui lòng liên hệ tổng đài 24/7 0965 159 118

hoặc Bạn có thể click vào các ô dưới đây để gửi Email cho chúng tôi, Luật Đại Khánh luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn

Bài viết cùng chủ đề